Việt Nam tham gia hợp tác nhân giống cà phê robusta toàn cầu Việt Nam tham gia hợp tác nhân giống cà phê robusta toàn cầu

Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê robusta hàng đầu thế giới với khoảng 640.000 ha[1]. Cà phê tạo ra hơn 5 tỷ đô la doanh thu xuất khẩu trong vụ mùa năm 2023-2024[2] và chiếm hơn 12% GDP nông nghiệp của Việt Nam.[3]

Các giống được tạo ra thông qua sự hợp tác này sẽ góp phần vào nỗ lực hiện tại của WASI trong việc tăng cường sản xuất bền vững cũng như hỗ trợ người nông dân trồng cà phê đáp ứng thách thức về nhiệt độ cao và mùa khô kéo dài vốn đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong những năm gần đây. Thỏa thuận hợp tác đã được Quyền Giám đốc WASI, Tiến sĩ Phan Việt Hà, và Giám đốc Nghiên cứu của WCR, Tiến sĩ Tania Humphrey, công bố hôm nay tại Hội nghị Cà phê Quốc tế Châu Á tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Tiến sĩ Hà đến từ WASI cho biết: “Việt Nam tự hào là nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê robusta hàng đầu thế giới và chúng tôi mong muốn tiếp tục hỗ trợ người nông dân duy trì thành công đó. Mạng lưới hợp tác này là cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy việc phát triển các giống cà phê đáp ứng nhu cầu của người nông dân, đạt được khả năng chống chịu thời tiết và đảm bảo xuất khẩu trong dài hạn.”

Việt Nam tham gia hợp tác đối tác toàn cầu cùng các viện nghiên cứu cà phê quốc gia Ghana và Uganda nhằm đẩy nhanh việc cung cấp các giống cà phê Robusta cải tiến cho người nông dân. Các quốc gia khác sẽ được công bố tên sau khi xác nhận tham gia. Các đối tác tham gia mạng lưới sẽ được WCR trao 1.000 giống ứng viên để tiến hành thử nghiệm hiệu suất và sẽ hợp tác với nhau để xác định các giống có khả năng thích ứng với khí hậu, trong đó trọng tâm là năng suất cao, khả năng kháng bệnh và chất lượng được cải tiến. Những giống có hiệu suất tốt hàng đầu sẽ được đưa vào thử nghiệm giống quốc gia và phát hành thương mại.  Mạng lưới được xây dựng để hỗ trợ nghiên cứu hợp tác giữa các nhà khoa học ở nhiều quốc gia nhằm cải tiến di truyền, qua đó nâng cao năng suất của người trồng. Mỗi quốc gia có thể chọn các giống phù hợp với nhu cầu của nông dân và thị trường địa phương.

Tiến sĩ Jennifer “Vern” Long, Giám đốc Điều hành WCR, cho biết: “Mô hình phát triển giống hợp tác của WCR kết hợp sự đa dạng di truyền mới với thiết kế mạng lưới toàn cầu tập trung vào tốc độ và hiệu quả chi phí.  Chúng tôi biết người nông dân cần những giống cải tiến càng sớm càng tốt và chúng tôi có thể đẩy nhanh tiến độ thông qua việc hợp tác cùng nhau.”

Giám đốc Nghiên cứu của WCR, Tania Humphrey, người đại diện cho WCR tại thời điểm ký kết thỏa thuận cho biết: “Chương trình này đảm bảo các nước tham gia có thể tạo ra các giống cà phê tốt nhất cho nông dân của họ, nhanh hơn nhiều so với khi họ nghiên cứu một mình. Chúng tôi sẽ sử dụng dữ liệu lớn và kiểm tra các quần thể lớn gồm những đặc tính di truyền độc đáo trong các môi trường sản xuất đa dạng trên toàn cầu.”

Việt Nam tham gia hợp tác nhân giống cà phê robusta toàn cầu - Ảnh 1

Phía trước: Tiến sĩ Tania Humphrey (WCR), Tiến sĩ Phan Việt Hà (WASI)

Sau: Nghĩa Lê (The J.M. Smucker Co), Nguyễn Quốc Mạnh (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Đỗ Ngọc Sỹ (JDE)

Mạng lưới tạo giống cà phê Robusta nhận được tài trợ từ hơn 190 công ty cà phê trên thế giới bao gồm các thành viên của WCR, trong đó có các công ty lớn toàn cầu như The J.M. Smucker Co., Lavazza, JDE Peet’s và Tchibo. Nhiều công ty trong số này mua lượng lớn cà phê robusta từ Việt Nam.

Sy Do, Giám đốc Bền vững APAC tại JDE Peet’s, cho biết: “Chúng tôi tin rằng cùng nhau, thông qua các mối quan hệ đối tác mạnh mẽ như thế này, chúng tôi có thể hợp lực để mang đến sự thay đổi thiết thực cũng như tạo động lực cải thiện chất lượng trong quá trình sản xuất ra loại cà phê có hương vị hoàn hảo.”

Pablo von Waldenfels, Giám đốc Trách nhiệm Doanh nghiệp của Tchibo Coffee, cho biết: “Nếu muốn đảm bảo nguồn cung cà phê có chất lượng tốt với giá cả và số lượng hợp lý về lâu về dài, chúng ta cần được hỗ trợ về mặt khoa học để phát triển các giống cà phê trong tương lai. Nỗ lực hợp tác này sẽ mang đến các giải pháp đổi mới cho cà phê robusta để mở rộng quy mô ở một số khu vực cung ứng quan trọng nhất của chúng ta trên thế giới. WCR đã tạo ra mạng lưới này vì các công ty rang xay biết rằng chúng ta không thể chờ thêm một ngày nào nữa.”

 “Đẩy nhanh việc cung cấp các giống cà phê mới, chất lượng cao tại Việt Nam và các vùng cung ứng quan trọng khác sẽ giúp đảm bảo nguồn cung cấp cà phê chất lượng đa dạng và bền vững cho cả hôm nay và các thế hệ tương lai”, Mario Cerutti, Giám đốc Quan hệ Thể chế & Phát triển bền vững của Tập đoàn Lavazza, cho biết.

Mạng lưới nhân giống cà phê robusta toàn cầu sẽ hoạt động song song với một mạng lưới nhân giống cà phê tương tự cho cà phê arabica, được gọi là Innovea, với mục đích cung cấp 100 giống cà phê được cải tiến vào năm 2030. Giống như Innovea, mạng lưới Robsuta có thiết kế hợp tác cho phép các quốc gia cùng nhau giải quyết những thách thức phức tạp của biến đổi khí hậu trong khi cung cấp các giống cà phê có hiệu suất cao cho nông dân của họ, đảm bảo khả năng cạnh tranh liên tục. Mạng lưới này sẽ giúp Việt Nam và các nước tham gia khác tiếp cận được vật liệu di truyền mới, khóa đào tạo về các phương pháp nhân giống hiện đại và các công cụ chi phí thấp để cung cấp giống tốt hơn cho nông dân trong thời gian nhanh hơn.

Nhiều cây đa dạng về mặt di truyền dùng để khởi động chương trình nhân giống này chưa từng được sử dụng trong một chương trình nhân giống nào khác và chúng do CIRAD, tổ chức hợp tác quốc tế và nghiên cứu nông nghiệp của Pháp, cung cấp. 

World Coffee Research đoàn kết ngành công nghiệp cà phê toàn cầu để thúc đẩy các giải pháp nông nghiệp dựa trên cơ sở khoa học nhằm khẩn trương đảm bảo nguồn cung cấp cà phê chất lượng đa dạng và bền vững cho cả hôm nay và các thế hệ tiếp theo. worldcoffeeresearch.org

WASI là viện nghiên cứu nông nghiệp hàng đầu tại Tây Nguyên Việt Nam, hoạt động trong Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, trực thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn với ba trung tâm thí nghiệm và năm bộ phận nghiên cứu. WASI hướng đến việc cải thiện lợi ích của người dân Tây Nguyên thông qua nghiên cứu và chuyển giao công nghệ vì nông nghiệp bền vững.

Comments are closed.