Phân vùng chống dịch thích ứng thực tiễn “cuộc chiến” với Covid – 19 của Hà Nội Phân vùng chống dịch thích ứng thực tiễn “cuộc chiến” với Covid – 19 của Hà Nội
Nhanh chóng bóc tách F0, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh
Với những nỗ lực trong các đợt giãn cách vừa qua, Hà Nội đã bước đầu đạt được hiệu quả kiềm chế dịch bệnh. Mặc dù vẫn còn lây lan ở một số quận nội thành nhưng dịch bệnh đã giảm nguy cơ ở nhiều quận, huyện. Tuy nhiên, vì Hà Nội là trung tâm giao lưu, dân cư trú, sinh hoạt đông, lại là nơi có nhiều trụ sở cơ quan, doanh nghiệp nên nguy cơ lây lan dịch vẫn rất khó lường. Các đợt xét nghiệm diện rộng vừa rồi cho thấy ngay cả “vùng xanh” vẫn có các điểm nguy cơ.
Thêm vào đó, tại một số địa phương, khu vực có mật độ dân cư cao, nhiều ngõ, ngách nhỏ, nhiều nhà chung cư cũ, các chợ dân sinh, các khu vực phong tỏa, vẫn còn biểu hiện chủ quan, lơ là trong thực hiện giãn cách xã hội, để xảy ra tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”. Hệ quả là các ca bệnh mới vẫn phát sinh trong cộng đồng, khu phong tỏa, tại các khu chợ dân sinh, siêu thị không rõ nguồn lây nhiễm bệnh.
Nếu không có biện pháp giải tỏa, sẽ phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố, sức ép an sinh, sản xuất và sức ép lên hệ thống chính quyền các cấp sẽ tiếp tục tăng. Trong bối cảnh đó, việc Hà Nội quyết định thực hiện các mức độ giãn cách cụ thể theo phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý-dân cư-sinh hoạt-sản xuất là việc làm cần thiết và kịp thời. Đây là biện pháp hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa các vùng chứ không phải để quản lý hành chính.
Trên cơ sở tận dụng lợi thế địa lý, các con sông, kênh nước để hình thành các lớp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thành phố sẽ có điều kiện tập trung nhân lực, vật lực; tập trung có trọng tâm để xử lý những đối tượng, những khu vực có nguy cơ cao. Theo kế hoạch, tại vùng 1 (vùng nội đô), nơi được xác định là “vùng đỏ” với nhiều khu vực, nhiều đối tượng có nguy cơ cao, việc giãn cách xã hội được tăng cường với những biện pháp mạnh hơn, với yêu cầu quản lý chặt chẽ người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, “ai ở đâu thì ở đó”, không để “chặt ngoài, lỏng trong”.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, việc tổ chức phân vùng, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ các khu vực có nguy cơ cao trong cộng đồng nhằm mục tiêu cao nhất là ngăn chặn nguy cơ bùng phát, lây lan mạnh trong cộng đồng, giúp bóc tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng. Do đó, cần tận dụng tối đa thời gian giãn cách xã hội tại vùng 1 đến ngày 21-9 để đẩy nhanh xét nghiệm sàng lọc, tiếp tới kiểm soát dịch bệnh.
Trên cơ sở yêu cầu của Bộ Y tế, tại các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, sẽ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 3 lần (từ 2-3 ngày/lần); lấy mẫu đơn kháng nguyên nhanh hoặc lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình. Tại các khu vực có nguy cơ và các khu vực khác, sẽ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà ở/hộ gia đình cho toàn bộ người dân ít nhất 1 lần (5-7 ngày/lần); lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nhà ở/hộ gia đình. việc điều phối, lấy mẫu, thực hiện và trả kết quả xét nghiệm được thực hiện trong vòng 24 giờ để đảm bảo giá trị và tiến độ xét nghiệm.
Bảo vệ vững chắc các “vùng xanh” để thực hiện “mục tiêu kép”
Để đợt chống dịch theo 3 phân vùng thành công, toàn hệ thống chính trị và chính quyền các cấp của Hà Nội đã xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch là cấp bách hàng đầu; quán triệt thực hiện nghiêm, hiệu quả theo nguyên tắc “người dân là trung tâm, là chủ thể” để vận động người dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và tự giác thực hiện, làm sao để mỗi người dân là một “chiến sĩ” bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Phương châm phòng bệnh vẫn là giải pháp cơ bản, chiến lược và lâu dài.
Việc bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân giữa các vùng, đặc biệt các khu vực cách ly, phong tỏa, được quan tâm trên cơ sở phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp cung ứng. Các đối tượng Chính sách, người nghèo, người lao động mất việc làm không có bảo hiểm thất nghiệp được bảo đảm an sinh xã hội theo các quy định của trung ương và Hà Nội với phương châm “không có ai trên địa bàn thành phố khó khăn do dịch bệnh Covid-19 mà không được hỗ trợ”.
Cùng với phòng, chống dịch, việc bảo đảm sản xuất nhằm thực hiện “mục tiêu kép” được TP Hà Nội quan tâm và triển khai thực hiện với nhiều giải pháp nhằm bảo vệ vững chắc các “vùng xanh”, ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan ra vùng công nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp. Hiện, Hà Nội có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng số 4.169 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, tổng số lao động khoảng 62 nghìn người; có 18 cụm công nghiệp tập trung, thu hút khoảng 1.500 doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn; còn lại là cụm công nghiệp làng nghề với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, các doanh nghiệp và hộ sản xuất cá thể. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động và nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, bình quân chỉ còn khoảng 80% so với trước đây, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, cung ứng hàng hóa.
Tuy nhiên, nhờ các giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt nhằm ứng phó kịp thời trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả trong sản xuất. Theo số liệu công bố của Cục Thống kê Hà Nội, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng năm 2021 của Hà Nội tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, một số ngành công nghiệp có chỉ số IIP đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất xe có động cơ tăng 21,6%; sản xuất trang phục tăng 18,2%; sản xuất đồ uống tăng 16,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 10,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,5%…
Nhận thức sâu sắc vị thế là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội đang kiên trì, quyết liệt và nhất quán chủ trương chống dịch theo 3 phân vùng nhằm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”.
Comments are closed.