Từ 15/9, cảnh sát giao thông được dừng xe trong những trường hợp nào? Từ 15/9, cảnh sát giao thông được dừng xe trong những trường hợp nào?
Bộ Công an đã có thông tư số 32/2023/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/9 và thay thế Thông tư 65/2020/TT-BCA
4 trường hợp cảnh sát giao thông tuần tra được dừng xe kiểm soát
Theo Thông tư 32/2023/TT-BCA, từ 15/9/2023, cảnh sát giao thông tuần tra sẽ được dừng xe kiểm soát trong 4 trường hợp.
Thứ nhất, trực tiếp phát hiện hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Thứ hai, thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát xe cộ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
Thứ ba, có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
Thứ tư, có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Việc dừng, kiểm soát phương tiện giao thông phải bảo đảm các yêu cầu sau: An toàn, đúng quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động giao thông; Khi đã dừng phương tiện giao thông phải thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.
Khi dừng, kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông phải bảo đảm yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều này và yêu cầu sau: Đặt rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng dọc theo chiều đường ở phần đường, làn đường sát lề đường hoặc vỉa hè để hình thành khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của Bộ Công an về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm tuyến đường giao thông để triển khai chiều dài đoạn rào chắn cho phù hợp, bảo đảm an toàn; khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ và quy định của pháp luật khác có liên quan; đủ diện tích để bố trí, lắp đặt các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, kiểm soát, xử lý vi phạm; căn cứ tình hình thực tế tại khu vực kiểm soát, chuyên đề kiểm soát, có thể bố trí cán bộ Cảnh sát giao thông hướng dẫn, điều hòa giao thông, bảo đảm an toàn giao thông.
Hiệu lệnh dừng xe của cảnh sát giao thông như thế nào?
Theo quy định tại Điều 17 Thông tư 32/2023/TT-BCA thì hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông được quy định như sau:
Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông của Cảnh sát giao thông được thực hiện thông qua một trong các tín hiệu hoặc kết hợp đồng thời các tín hiệu sau: Gậy chỉ huy giao thông, còi, loa, tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát; Các tín hiệu khác theo quy định của pháp luật, gồm: Biển báo hiệu, cọc tiêu, hàng rào chắn.
Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông khi kiểm soát tại một điểm trên đường giao thông, tại Trạm Cảnh sát giao thông:
Cán bộ Cảnh sát giao thông lựa chọn vị trí phù hợp, đứng nghiêm, hướng về phía phương tiện giao thông cần kiểm soát, phát hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông ở khoảng cách bảo đảm an toàn; tay phải cầm gậy chỉ huy giao thông đưa lên và chỉ vào phương tiện giao thông cần kiểm soát, đồng thời thổi hồi còi dứt khoát, hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông cần kiểm soát dừng vào vị trí phù hợp, an toàn để kiểm soát.
Người điều khiển phương tiện giao thông khi nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ và dừng phương tiện giao thông vào vị trí theo hướng dẫn của Cảnh sát giao thông.
Hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông khi đang ngồi trên phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát cơ động:
Trường hợp phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát đi cùng chiều và ở phía trước phương tiện giao thông cần kiểm soát, cán bộ Cảnh sát giao thông cầm gậy chỉ huy giao thông đưa sang ngang phía bên phải hoặc bên trái phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát (tùy theo phần đường, làn đường phương tiện giao thông cần kiểm soát đang lưu thông), sau đó đưa lên theo phương thẳng đứng, vuông góc với mặt đất; sử dụng còi, loa, phát tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông cần kiểm soát dừng vào vị trí phù hợp, an toàn để kiểm soát.
Người điều khiển phương tiện giao thông khi nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ và dừng phương tiện giao thông vào vị trí theo hướng dẫn của cán bộ Cảnh sát giao thông.
Trường hợp phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát đi cùng chiều và ở phía sau phương tiện giao thông cần kiểm soát, cán bộ Cảnh sát giao thông sử dụng loa, phát tín hiệu ưu tiên của phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát; hướng dẫn người điều khiển phương tiện giao thông cần kiểm soát dừng vào vị trí phù hợp, an toàn để kiểm soát. Trường hợp cần thiết, nếu bảo đảm an toàn, phương tiện giao thông tuần tra, kiểm soát có thể vượt lên phía trước phương tiện giao thông cần kiểm soát và thực hiện hiệu lệnh dừng phương tiện giao thông theo quy định tại điểm a khoản này.
Người điều khiển phương tiện giao thông khi nhận được tín hiệu phải giảm tốc độ và dừng phương tiện giao thông vào vị trí theo hướng dẫn của cán bộ Cảnh sát giao thông.
Nội dung tuần tra giao thông đường bộ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA thì nội dung tuần tra giao thông đường bộ gồm:
Quan sát, nắm tình hình trật tự, an toàn giao thông trên tuyến giao thông đường bộ; phòng ngừa vi phạm, Tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông; duy trì trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định.
Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, an ninh, trật tự trên tuyến giao thông đường bộ.
Giúp đỡ, hỗ trợ người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi cần thiết.
Thực hiện các nội dung công tác khác được cấp có thẩm quyền giao theo quy định.
Nội dung kiểm soát giao thông đường bộ
Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA thì nội dung kiểm soát giao thông đường bộ gồm:
Kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, gồm:
Giấy phép lái xe; Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe); Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định); Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ cần thiết khác có liên quan theo quy định (sau đây gọi chung là giấy tờ). Khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ;
Kiểm soát các điều kiện tham gia giao thông của phương tiện giao thông: Thực hiện kiểm soát theo trình tự từ trước ra sau, từ trái qua phải, từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới, gồm các nội dung: Hình dáng, kích thước bên ngoài, màu sơn, biển số phía trước, phía sau và hai bên thành phương tiện giao thông; điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng theo quy định;
Kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn vận tải đường bộ: Kiểm soát tính hợp pháp của hàng hoá, chủng loại, khối lượng, số lượng, quy cách, kích thước; đồ vật; số người thực tế chở so với quy định được phép chở và các biện pháp bảo đảm an toàn trong vận tải đường bộ.
Kiểm soát nội dung khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Comments are closed.